Bánh bèo chén luôn được nhiều người yêu thích bởi sự thơm ngon, bùi bùi đầy hấp dẫn. Từng chiếc bánh mang hương vị tôm tươi và đậu xanh ninh mềm chắc chắn sẽ chinh phục hoàn toàn trái tim bạn khi ăn miếng bánh đầu tiên. Cùng Kate vào bếp và học cách làm bánh bèo chén truyền thống này để chiêu đãi cả nhà nhé.
Bánh Bèo chén nổi tiếng là món ăn dân dã, bình dị của người dân xứ Huế. Với những chiếc bánh nhỏ xíu, dẻo thơm hấp dẫn làm từ bột gạo và vị ngọt của tôm hòa quyện trong vị chua chua ngọt ngọt của nước chấm khiến người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Không ai biết bánh bèo xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng những chiếc bánh bình dị, đó là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cố Đô.
Bánh bèo chén thơm ngon, chuẩn vị
Để có được món bánh bèo chén thơm ngon đúng điệu, người làm bánh phải khéo léo và chú trọng đến từng công đoạn từ khâu pha bột, cho bột vào khuôn, đổ bánh, làm nhân bánh cho đến công đoạn làm nước chấm. Nguyên liệu chính của món bánh này là từ bột gạo. Cách làm bánh bèo chén tuy bình dị là vậy, nhưng công đoạn chế biến lại khá phức tạp, chúng ta cùng vào bếp với hướng dẫn dưới đây nhé!
Contents
Rây bột gạo và bột năng vào âu sạch. Thêm một nhúm muối nhỏ vào âu, đổ từ từ nước lạnh vào hỗn hợp khô rồi quấy đều tay. Tiếp theo, bạn đổ nước sôi vào hỗn hợp, khuấy bột liền tay cho bột tan hết, hòa quyện với nhau.
Rây bột gạo và bột năng cho mịn để bột bánh không bị vón cục
Ngâm hỗn hợp bột qua đêm. Việc ngâm bột có tác dụng làm bánh khi ăn không có mùi bột chua và bánh sẽ dai hơn. Khi gần đổ bánh, gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt âu bột đổ đi. Sau khi đổ nước trắng trên bề mặt bột thì thay thế bằng nước ấm, khuấy nhẹ bột rồi để qua một bên.
Đậu xanh cà bạn cũng ngâm qua đêm cho nở, sau cho đãi sạch vỏ, cho vào nồi hấp chín. Khi đậu chín bạn cho vào tô rồi tán nhuyễn, nêm thêm ít muối, hạt nêm, hành phi cho đậu xanh thơm hơn.
Cho đậu xanh vào nồi hấp chín
Tôm mua về bạn lột sạch bỏ, rút bỏ chỉ đen, rửa sạch rồi để vào rổ cho ráo nước. Cho tôm vào cối giã cho tôm tơi ra.
Bắc chảo lên bếp, đun sôi dầu ăn rồi phi thơm tỏi. Đổ tôm vào đảo đều tay, vặn nhỏ lửa, nêm chút xíu muối. Xào đến lúc thấy tôm hơi khô và chuyển sang màu cam đẹp là đạt yêu cầu.
Giã nhuyễn tỏi, ớt băm, đường. Cho nước lọc và nước mắm vào nêm nếm lại cho vừa khẩu vị của gia đình mình. Thêm cà rốt và củ cải ngâm chua ngọt vào cùng.
Làm nước chấm ăn kèm
Hành lá mua về rửa sạch, cắt nhuyễn. Đun sôi dầu ăn rồi cho hành lá vào phi thơm, đổ ra chén để nguội.
Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả các nguyên liệu. Bạn bắc một nồi to lên bếp, đổ nước vào nồi hấp rồi đặt lên bếp đun sôi. Trong khi chờ nước sôi, thoa dầu ăn vào chén để chống dính. Khi nước sôi bạn cho chén vào nồi. Đợi chén nóng thì đổ hỗn hợp bột vào cỡ 2/3. Đậy nắp lại, thỉnh thoảng mở nắp nồi để lau hơi nước đậy trên nắp nồi.
Bạn cần hấp khoảng 5 đến 7 phút đến khi thấy bánh trắng đục là chín.
Hoàn thành và thưởng thức
Khi ăn bạn cho ít tôm chấy, đậu xanh lên bề mặt bánh bèo, múc chút hành phi và ít bánh mỳ chiên rắc lên trên.
Thành phẩm bánh bèo chén thơm ngon, đậm vị
Bánh bèo Huế sau khi làm phải cảm nhận được cái thơm của bánh, vị ngọt của tôm chấy, chút đậm đà cay nồng của nước mắm hòa quyện với những chiếc bánh bèo thơm ngon. Bánh ăn khi nóng sẽ thơm ngon hơn. Người Huế thường thưởng thức món ăn này bằng que tre vót mỏng chứ không dùng đũa, bởi thế mới có câu “dao tre, chén đá” để chỉ cách ăn bánh bèo mặn đúng chất miền Trung (xứ Huế).
Vậy là bạn đã làm xong món bánh bèo chén truyền thống rồi đấy. Và hơn nữa, ngoài bánh bèo chén, bạn có thể làm bánh cuốn tôm để thưởng thức vào những buổi sáng đẹp trời, bánh cuốn tôm rất dễ làm tại nhà và đặc biệt lại được rất nhiều người thích, cùng thử nhé. Giờ thì mời cả nhà thưởng thức thôi nào.
Thường xuyên theo dõi Hướng Nghiệp Á Âu (HNAAu) để cập nhật thêm nhiều công thức làm bánh Việt mới nhất bạn nhé.
Chúc bạn thành công khi thực hiện.